TIPS lái xe đường dài an toàn, không mệt mỏi.
Cảm giác mệt mỏi, mất sức là những gì mà hầu hết mọi bác tài lái xe đường dài thường xuyên gặp phải, ngay cả đối với người đã có kinh nghiệm đi đường lâu năm. Thêm vào đó, những rủi ro, nguy hiểm khó lường trên hành trình cũng là một vấn đề lớn đáng lo ngại.
Vậy làm sao để lái xe vừa an toàn, vừa giảm thiểu được cảm giác mệt người, uể oải? Sau đây là những kinh nghiệm các bác tài có thể tham khảo để trang bị tốt hơn cho hành trình dài của mình.
Lái xe đường dài – Chuẩn bị gì trước khi đi?
Ngủ đủ giấc
Sẽ khó tránh khỏi những cơn buồn ngủ ập đến trên hành trình xa của bạn. Vì vậy, một giấc ngủ chất lượng trước khi xuất phát là điều chớ nên bỏ qua để giúp bạn có một tinh thần minh mẫn và đủ tỉnh táo lái xe.
Hãy lên kế hoạch lịch trình giữa các chuyến đi sao cho phù hợp để chắc rằng bạn có ít nhất 20 phút để ngủ trước khi vào việc. Và chắc chắn rằng sẽ tuyệt vời hơn nhiều nếu bạn chuẩn bị được một giấc ngủ sâu, đủ giấc kéo dài từ 6 – 8 tiếng.
Chuẩn bị thức ăn, đồ uống nạp năng lượng cho cơ thể
Bên cạnh giấc ngủ thì việc bổ sung dinh dưỡng cho cơ thể cũng là nhu cầu thiết yếu giúp tiếp thêm năng lượng, tránh mất sức và tỉnh táo hơn trên đường đi.
Theo đó, các bác tài cần chuẩn bị trước một số loại thức ăn nhẹ tiện lợi, chứa ít đường béo và nước uống (như trà, nước lọc,…) để mang theo bên mình. Thêm vào đó, có thể bổ sung Vitamin B, C hoặc Vitamin tổng hợp dạng viên uống sau bữa ăn để ngăn chặn tối đa nguy cơ thiếu chất trong cơ thể về lâu dài. Có thêm một vài viên thuốc trị nhức đầu, đau bụng cũng vô cùng thiết thực cho bạn dọc đường đi.
Ngoài ra, để duy trì sự tỉnh táo, chặn đứng tức thì những cơn buồn ngủ vặt trên đường thì kẹo cao su cũng là một lựa chọn không tồi. Vậy nên hãy để sẵn đó vài tép kẹo cao su nhé các bác tài!
Lưu ý:
- Nên tham vấn ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng các loại thuốc và Vitamin bổ sung.
- Hạn chế dùng một số loại thuốc có khả năng gây buồn ngủ như: thuốc cảm cúm, ho, dị ứng,…
- Không sử dụng đồ uống có cồn hay chất kích thích như: rượu, bia,… trước và trong quá trình lái xe.
Nghiên cứu lộ trình trước
Cần lên lộ trình rõ ràng trước khi đi sao cho thuận tiện và an toàn nhất, đặc biệt nếu đây là lần đầu bạn lái xe trên đoạn đường này. Việc này thực hiện khá dễ dàng trong thời buổi công nghệ hiện nay, bạn có thể áp dụng định vị GPS hoặc bản đồ trên các thiết bị điện tử như điện thoại hoặc máy tính bảng.
Các điểm cần lưu ý:
- Điểm xuất phát và điểm đến cụ thể.
- Các trạm dừng chân trên đường, quán ăn, cây xăng dầu,…
- Hạn chế vào các cung đường có địa hình hiểm trở, khó đi và dễ gặp nhiều bất cập như: núi đèo, công trường đang thi công, đường dốc, đường một chiều, đoạn thường xuyên kẹt xe,…
Kiểm tra xe kỹ lưỡng
Kiểm tra cẩn thận trong và ngoài xe trước khi xuất phát để tránh vấn đề vặt không đáng có. Hãy đảm bảo hệ thống máy móc động cơ, phanh xe, lốp, gương chiếu hậu, đèn xe,… đang ở trạng thái tốt và hoạt động ổn định. Hơn nữa, đừng quên đổ đầy xăng/dầu trước khi bắt đầu hành trình.
Với một chiếc xe tốt, ít hư hỏng sẽ khiến trải nghiệm đường dài của bạn trở nên thoải mái và đỡ mệt mỏi hơn rất nhiều.
Kiểm tra xe và lựa chọn xe tốt khiến trải nghiệm đường dài trọn vẹn hơn
Đảm bảo tư thế ngồi lái xe đúng và thoải mái trong suốt hành trình
Một hành trình lái xe đường dài đồng nghĩa với việc bạn sẽ phải ngồi tại một vị trí trong thời gian khá lâu dẫn đến các vấn đề như đau nhức, tay chân tê mỏi,… Nếu giữ được một tư thế ngồi lái xe đường dài đúng “chuẩn” thì cơ thể bạn sẽ giảm đi đáng kể những vấn đề nêu trên.
Việc bạn cần làm là điều chỉnh lại ghế ngồi sao cho thoải mái nhất mà vẫn đảm bảo tầm quan sát tốt. Bạn có thể trang bị thêm gối tựa đầu, tựa lưng. Tư thế ngồi nên tỳ hẳn vào ghế lái, giữ cho phần lưng và mông vuông góc.
Hình ảnh minh họa tư thế ngồi sai và đúng khi lái xe ô tô
Đi kèm với tư thế ngồi lái xe thì việc mặc quần áo dễ chịu cộng với thực hiện một số động tác vận động nhẹ để thư giãn các khớp, cơ cũng sẽ giúp ích cho bác tài rất nhiều đấy!
Mở nhạc hoặc nghe tin tức trên đài
Hầu hết các loại xe hiện nay đều có trang bị các thiết bị phát thanh và bạn nên tận dụng điều này trên chuyến hành trình dài của mình. Những bản nhạc có tiết tấu nhanh, sôi động hoặc các tin tức cập nhật mới sẽ khiến cho bạn tập trung hơn, tinh thần minh mẫn và tránh cơn buồn ngủ khá hiệu quả.
Thỉnh thoảng hạ cửa sổ
Không gian bí bách trong buồng lái dễ khiến cơ thể uể oải, mệt mỏi. Những lúc này bạn nên hạ cửa sổ xe đón luồng khí trời bên ngoài vào giúp tinh thần được sảng khoái hơn. Hơn nữa, những âm thanh/tiếng ồn từ các hoạt động bên ngoài cũng ít nhiều làm bạn quên đi cơn buồn ngủ.
Chế độ nghỉ ngơi dọc đường, không cố gắng lái xe liên tục
Khuyến khích các bác tài nên nghỉ ngơi khoảng sau 2 giờ lái xe hoặc đi được đoạn đường từ 200km để cơ thể nạp lại năng lượng.
Dừng hẳn xe khi cảm thấy quá mệt mỏi và buồn ngủ. Điều này không những giúp đảm bảo sự an toàn cho bạn mà còn cho cả những người tham gia giao thông khác trên đường.
Điều chỉnh tốc độ phù hợp, tránh đánh lái liên tục trên các cung đường quanh co
Hiện nay, hệ thống chống bó cứng phanh (ABS) được lắp đặt trong các dòng xe ô tô, xe tải giúp đảm bảo độ an toàn tốt hơn trong trường hợp đánh lái ở tốc độ cao và liên tục.
Tuy vậy, ở những cung đường quanh co hay các khúc cua thì bác tài vẫn nên hạ tốc độ xe chạy, giữ tầm mắt quan sát xa hơn và tránh đánh lái liên tục hoặc cua gấp. Điều này sẽ hạn chế các tình huống bất ngờ cho những phương tiện tham gia giao thông xung quanh.