9 dụng cụ nhất định phải trang bị cho ô tô
Có một số vật dụng mà chúng ta luôn cần giữ trong ô tô, đơn giản vì những sự cố bất ngờ có thể xảy ra bất cứ lúc nào mà chúng ta phải tự khắc phục. Cần trang bị thêm 9 món đồ cần thiết giúp hành trình an toàn trọn vẹn hơn.
- Dụng cụ sửa xe đơn giản
Hãy đảm bảo bạn luôn có một chiếc lốp dự phòng tốt, một cái kích (phù hợp trọng tải xe) và một chiếc cờ lê để mở lốp dự phòng. Tiếp đến là chuẩn bị sẵn sàng một bộ đồ nghề đơn giản. Đã có khá nhiều trường hợp bi hài xảy ra chỉ vì quên dụng cụ lấy lốp mà chủ xe đành phải đợi xe khác đi qua hỗ trợ.
- Bộ đồ sơ cứu
Ở một số mẫu xe mới, bộ đồ sơ cứu là trang bị tiêu chuẩn kèm theo xe, nhưng với các xe đời cũ thì bạn phải tự sắm.
Hộp dụng cụ sơ cứu, với một số vật dụng giúp sơ cứu ban đầu như băng keo cá nhân, thuốc giảm đau, thuốc chống dị ứng… tuy nhiên các vật dụng và thuốc trong hộp sơ cứu phải được kiểm tra hạn sử dụng thường xuyên và thay thế thuốc mới khi hết hạn sử dụng.
- Cáp điện
Hết ắc quy là một trong những lý do khiến tài xế phải chịu cảnh nhìn xe đứng “chết” bên vệ đường. Có hai lựa chọn trang bị giúp xe “sống sót” qua tình huống này: cáp khởi động ngoài hoặc máy tăng thế ắc-quy xách tay. Với cáp khởi động ngoài bạn sẽ cần sự trợ giúp của một chiếc xe khác nhưng giải pháp có vẻ hợp lí hơn khi chi phí rẻ và không nặng nề.
- Thiết bị kiểm tra áp suất lốp và bơm hơi
Khi áp suất lốp không đủ thì dễ ảnh hưởng đến vận hành và tuổi thọ của lốp. Sắm một bộ kiểm tra áp suất lốp để kiểm tra định kỳ là rất cần thiết.
Bơm hơi cũng rất cần thiết cho xe ô tô khi bánh xe không đủ áp suất hoặc bị xì, cần bơm tạm thời vì không thể thay lốp tại chỗ. Hiện tại thì có khá nhiều bơm hơi mini có luôn chức năng kiểm tra áp suất lốp.
- Búa đa năng (búa cứu hộ)
Trong trường hợp có tai nạn mà cửa kính không thể hạ xuống được thì vật dụng này sẽ rất có ích cho những người trên xe. Búa phá kính ôtô là công cụ thiết kế để phá vỡ cửa kính xe trong trường hợp khẩn cấp thoát nạn. Thiết bị này cũng được tích hợp công cụ dùng để cắt dây an toàn.
- Biển cảnh báo nguy hiểm phản quang hay có đèn báo
Vào ban ngày thì có thể dùng cành cây hay một vật nào đó nhưng vào ban đêm thì khác, dù cho xe có bật đèn nguy hiểm thì cũng có một số tài xế cũng bỏ qua dấu hiệu này. Cách tốt nhất là sử dụng thiết bị cảnh báo nguy hiểm phản quang đặt cách xe sau xe chừng 30m đến 50m tùy theo tốc độ tối đa cho phép. Thiết bị này có tác dụng cảnh báo sớm cho các tài xế khác biết có xe gặp sự cố.
- Dây kéo:
Dây thừng hoặc các dây làm bằng chất liệu chắc chắn có thể giúp chúng ta trong nhiều trường hợp như kéo xe, cứu xe khác hay cột đồ hay cố định một bộ phận nào đó.
Nếu xe bị sa lầy không quá sâu thì với một sợi dây thừng thật chắc và sự hỗ trợ của một xe khác, bạn có thể thoát nạn nhanh chóng, thay vì phải gọi điện và ngồi chờ cứu hộ.
- Găng tay:
Một đôi găng tay lao động sẽ giúp bạn dễ dàng tiếp xúc với các chi tiết nóng dưới mui xe hoặc đưa ống pô bị xệ vào đúng vị trí. Găng tay cũng sẽ giúp việc thay lốp xe dễ dàng và sạch sẽ hơn.
- Đèn pin:
Bạn có thể chọn mua đèn pin thông thường, hoặc loại đèn chuyên dụng không cần pin. Trên thị trường hiện có khá nhiều loại đèn đa năng, như có cả đài, đèn nháy báo tín hiệu nguy hiểm, còi báo động, kéo cắt dây an toàn, và sạc điện thoại.
Sẽ cần đến đèn pin khi cần kiểm tra máy móc, tháo và thay lốp dự phòng hay ra tín hiệu cần trợ giúp vào ban đêm. Đèn pin rất nhỏ gọn và không tốn nhiều diện tích. Tốt hơn hết, bạn nên chuẩn bị cả đèn pin dự phòng.
Nguồn sưu tầm