Những thói quen khác người của tài xế Việt khi lái xe ô tô
Khi lái xe ô tô, tài xế Việt có những thói quen dùng sai chức năng khiến nhiều lái mới học theo mà không biết đó là hành vi xấu. Đó là những thói quen nào?
Nháy pha khi qua ngã tư để ‘cướp’ đường
Khi đến nơi giao nhau, nhiều tài xế thường mặc định cho mình quyền đi trước sau đi nháy pha một vài lần. Tài xế trên đường nên nhớ không ai có quyền đi trước theo ý thích của mình, tất cả phải tuân thủ theo luật giao thông đường bộ đồng thời tùy tình huống mà nhường nhịn nhau để mọi xe ô tô đều an toàn nhất ra khỏi nơi giao nhau.
Bật đèn khẩn cấp khi đi thẳng qua ngã tư
Bật đèn khẩn cấp với ý “tôi đi thẳng qua ngã tư” là thói quen xấu của người Việt, khiến nhiều tài xế ngang nhiên cướp đường của người khác.
Sách hướng dẫn sử dụng xe ô tô của các hãng xe không có phần nào nói dùng đèn khẩn cấp để qua ngã tư. Trong luật giao thông đường bộ của Việt Nam cũng không có dòng chữ nào quy định việc này, vì vậy sử dụng đèn khẩn cấp khi qua ngã tư hoàn toàn là thói quen tự phát.
Việc bật đèn khẩn cấp để qua ngã tư chỉ là thói quen tự phát của tài xế Việt
Đèn khẩn cấp (hazard) chỉ sử dụng trong đúng một trường hợp duy nhất đó chính là tình huống khẩn cấp. Những tình huống này như xe hư phải đỗ gấp bên đường hay giữa đường, trời mưa quá to sương mù quá dày nên phải bật đèn để cảnh báo các xe đi sau. Sử dụng đèn khẩn cấp khi qua ngã tư là vô lý.
Bật đèn chế độ chiếu xa khi đi trong phố
Tài xế bật đèn ở chế độ chiếu xa (pha) trong khu đô thị là vi phạm luật giao thông. Như video trên, vì hàng loạt xe ngược chiều bật pha gây chói mắt tài xế đi ngược mà chút nữa gây ra tai nạn. Khi đi trong khu dân cư, đèn xe phải để ở chế độ chiếu gần (cos, cốt).
Mức phạt cho tài xế bật đèn chế độ chiếu xa là 600.000-800.000 đồng.
Quay đầu ở mọi nơi
Quay đầu xe ô tô mà không quan sát có thể gây nguy hiểm cho bản thân hoặc gây rắc rối cho các phương tiện khác
Lái xe trên phố không giống như đường làng, bạn vừa phải đáp ứng luật, vừa phải có văn hóa công cộng. Khi quay đầu, không được quay ở nơi cấm quay, nơi đường hẹp, trên cầu, trong hầm, đường cong… Nếu có thể, tốt nhất đi tới nơi đủ rộng và có hai làn dành cho xe quay đầu.
Chiếm làn bên trái không cho xe khác vượt
Nhiều tài xế dù đi chậm hơn tốc độ tối thiểu nhưng vẫn chiếm làn bên trái, không cho xe khác vượt khi có tín hiệu xin vượt. Nhiều người cho rằng, chỉ cần đi dưới tốc độ tối đa, trên tốc độ tối thiểu thì ở làn nào cũng được, không vi phạm luật dù không cho xe khác vượt. Tuy nhiên, đây lại là hành vi phạm luật.
Luật giao thông đường bộ quy định, khi nhận thấy đủ điều kiện an toàn, tài xế phải tạo điều kiện cho xe sau xin vượt bằng cách nép sát vào lề đường bên phải hoặc tách sang làn bên phải để chạy.
Không chỉ theo luật, để xây dựng văn hóa lái xe an toàn, tài xế nên học cách nhường đường cho xe khác xin vượt, ngay cả khi bạn đã chạy ở tốc độ tối đa.
Không thắt dây an toàn hoặc thắt đối phó
Khi không thắt dây an toàn, tài xế sẽ bị lao đầu vào kính như video trên khi xe bị đâm mạnh từ phía sau. Khi tài xế và người ngồi cạnh không thắt dây an toàn, xe sẽ phát ra tiếng kêu báo hiệu. Nhiều tài xế Việt đối phó bằng cách vẫn cắm chốt an toàn nhưng ra sau lưng chứ không lồng phía trước.
Không thắt dây an toàn là vi phạm luật giao thông đường bộ. Từ năm 2018, không chỉ tài xế và người ngồi cạnh mà tất cả các vị trí trên xe ô tô có trang bị dây an toàn thì khi hành khách ngồi đều phải cài.
Nguồn : autoexpress.vn
Xem thêm bài viết :
Lưu ý đặc biệt khi chọn vị trí ngồi trên xe ô tô
An toàn hơn với công nghệ EyeSight trên Subaru Levorg
Subaru nằm trong top những mẫu SUV chạy hệ dẫn động AWD tốt nhất